Tiểu đường type 2 là gì? Những biến chứng nguy hiểm thường gặp - Doppelherz

Tiểu đường type 2 là gì? Những biến chứng nguy hiểm thường gặp

Bệnh tiểu đường (đái tháo đường) là một trong những căn bệnh nguy hiểm nhất hiện nay. Bệnh tiểu đường, cụ thể là tiểu đường type 2 phát triển một cách thầm lặng, chậm rãi, ít biểu hiện ra ngoài. Khi xuất hiện các biểu hiện ra ngoài thì bệnh đã phát triển đến giai đoạn nặng và có thể xuất hiện một số biến chứng.

1. Bệnh tiểu đường type 2 là gì?

Bệnh tiểu đường là bệnh có đặc điểm tăng glucose máu do khiếm khuyết về lượng insulin và rối loạn khả năng tác động của insulin. Glucose trong máu tăng cao mãn tính kéo dài gây nên rối loạn chuyển hóa carbohydrate, protide và lipid trong cơ thể, từ đó gây tổn thương ở nhiều cơ quan, đặc biệt là tim, mạch máu, thần kinh, thận, mắt và răng.

Bệnh tiểu đường là gì?
Bệnh tiểu đường type 2 là gì?

Biến chứng của tiểu đường type 2 diễn tiến nhanh, nguy hiểm và có khả năng khiến bệnh nhân tử vong đột ngột. Vì thế việc thường xuyên theo dõi, kiểm tra và duy trì mức đường huyết, huyết áp ổn định là yêu cầu bắt buộc đối với bệnh nhân tiểu đường.

2. Biến chứng tiểu đường cấp tính

Biến chứng tiểu đường cấp tính có thể xuất hiện ở một số trường hợp như:

  • Hạ Glucose máu: Dấu hiệu nhận biết của biến chứng này là cơ thể người bệnh lúc nào cũng có cảm giác mệt mỏi, buồn ngủ, lời nói, cử chỉ chậm chạp, run, đói cồn cào, vã mồ hôi… Biến chứng này thường xuất hiện ở những bệnh nhân ăn kiêng quá mức, dùng thuốc hạ đường huyết quá liều. 
  • Tăng Glucose máu quá cao: Bệnh nhân bị tăng Glucose máu sẽ thường xuyên cảm thấy khát nước, đi tiểu nhiều, nhược cơ, chuột rút,… Thậm chí dẫn đến hôn mê nếu không được điều trị kịp thời. Hôn mê do tăng áp lực thẩm thấu khi hàm lượng glucose quá cao là biến chứng nặng nhất và rất dễ gây tử vong.
  • Nhiễm toan ceton: đây là tình trạng nhiễm độc gây ra bởi máu bị tăng nồng độ axit và dẫn đến toan hóa, lý do dẫn đến nhiễm toan ceton là quá trình chuyển hóa glucose thiếu insulin nên không thể hoàn thành dư ra axit trong máu. Bệnh nhân bị nhiễm toan ceton không được cấp cứu kịp thời có thể dẫn tới tử vong.
Biến chứng tiểu đường cấp tính
Biến chứng tiểu đường cấp tính

2. Biến chứng tiểu đường mãn tính

2.1. Biến chứng tim mạch

Đây là biến chứng nguy hiểm nhất đối với bệnh nhân mắc tiểu đường type 2, nếu không được phát hiện và can thiệp sớm có thể dẫn đến tử vong. Tăng đường huyết kéo dài gây ra huyết áp cao, cholesterol trong máu cao, các bệnh lý động mạch vành, có thể dẫn tới các biến chứng tim mạch nặng như đột quỵ hoặc nhồi máu cơ tim.

Biến chứng tim mạch của bệnh tiểu đường type 2
Biến chứng tim mạch của bệnh tiểu đường type 2

2.2. Biến chứng thần kinh

Glucose trong máu cao gây tổn thương thần kinh toàn cơ thể, đặc biệt là khu vực thần kinh ngoại vi và các chi. Tổn thương thần kinh ở bệnh nhân tiểu đường type 2 gây ra tình trạng đau ngứa, tê bì, mất cảm giác, chấn thương và nhiễm trùng nặng ở chân. Rất nhiều bệnh nhân mắc tiểu đường type 2 bắt buộc phải cắt cụt chi khi bị nhiễm trùng nặng để tránh ảnh hưởng đến các cơ quan khác trong cơ thể.

2.3. Biến chứng thận

Glucose tăng cao mãn tính làm tổn thương đến các mạch máu nhỏ ở thận, gây ảnh hưởng xấu đến hoạt động và suy giảm chức năng thận. Đặc biệt ở những người có tiền sử mắc bệnh thận trước đó thì nguy cơ xảy ra suy thận là rất cao. 

2.4. Biến chứng mắt

Hầu hết bệnh nhân tiểu đường cả 2 type đều rất dễ phát triển các bệnh lý về mắt gây giảm thị lực thậm chí là mù lòa. Do đó nếu bệnh nhân thấy xuất hiện các dấu hiệu mỏi, mờ mắt một cách đột ngột và nhanh chóng thì cần sớm đến bệnh viện để kiểm tra và can thiệp. 

Biến chứng mắt của bệnh tiểu đường type 2
Biến chứng mắt của bệnh tiểu đường type 2

2.5. Biến chứng thai kỳ

Mắc tiểu đường trong thời kỳ mang thai có thể gây ra tác động xấu sự an toàn và phát triển của thai nhi. Nguy cơ biến chứng đái tháo đường thai kỳ có thể gặp bao gồm: trẻ bị phơi nhiễm glucose máu cao dẫn đến nguy cơ mắc tiểu đường cao, thai nhi vượt quá cân, trẻ sau sinh bị hạ đường huyết đột ngột, tai biến trong quá trình sinh nở…

Ngoài các biến chứng trên, đường huyết tăng cao còn gây tổn thương tới nhiều các cơ quan khác trong cơ thể như não bộ, xương khớp và dễ gây các bệnh về da…

Biến chứng thai kỳ của bệnh tiểu đường type 2
Biến chứng thai kỳ của bệnh tiểu đường type 2

Biến chứng của bệnh đái tháo đường gây ảnh hưởng tới tất cả các cơ quan trong cơ thể nhưng bằng cách kiểm soát mức đường huyết, ổn định huyết áp, mỡ máu thường xuyên sẽ giúp bệnh nhân sớm phát hiện và kịp thời điều trị biến chứng. Ngoài ra, bệnh nhân cũng tuyệt đối cần tuân thủ việc dùng thuốc do bác sĩ kê và thực hiện chế độ dinh dưỡng lành mạnh, duy trì cân nặng hợp lý, tăng cường vận động thường xuyên để hạn chế và cải thiện hậu quả của biến chứng để có thể sống chung hòa bình với bệnh tiểu đường.

Biến chứng của bệnh tiểu đường ảnh hưởng rất nhiều đến cuộc sống cũng như là mối nguy đối với sức khỏe của người bệnh. Tuy nhiên, với việc điều chỉnh lối sống lành mạnh hơn kết hợp với phương pháp điều trị phù hợp, bệnh nhân tiểu đường type 2 có thể ngăn ngừa hoặc trì hoãn được các biến chứng gây ra bởi căn bệnh này.